Startup: Làm Sao Để Kêu Gọi Vốn Thành Công?

Lưu ý 1: bạn cần phải có một ý tưởng tốt!

Ý tưởng là điều đầu tiên bạn cần cho một dự án startup
Chính vì vậy, bạn cần phải có một ý tưởng tốt, ít nhất được người thân, bạn bè đánh giá có tính khả thi. Thêm nữa, hãy tìm cho mình một người chung chí hướng và đam mê để cùng làm và chia sẻ các khó khăn. Trước khi khởi nghiệp tôi đã tìm hiểu và thấy rằng không ít mô hình startup được hình thành đôi khi chỉ để thỏa lòng đam mê cá nhân, vì vậy có thể ý tưởng ban đầu rất hoang đường, song nếu hội tụ đủ yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", ý tưởng có vẻ điên rồ đó lại đem đến thành công bất ngờ cho người nghĩ ra. Nếu bạn một ý tưởng độc đáo, khác lạ đừng ngần ngại chia sẻ vì chắc chắn sẽ có người thích thú với điều đó.

Lưu ý 2: thay vì theo đuổi nhà đầu tư, hãy biết cách làm cho nhà đầu tư phải theo đuổi bạn

Một cầu thủ đánh bóng chày khôn ngoan sẽ không vung gậy trước khi người ném bóng thực hiện cú ném.
Một nhà đầu tư khôn ngoan cũng sẽ không đầu tư nếu như công ty mà ông ta đang nhắm đến chưa phát ra những “tín hiệu thành công” nào đó cho tương lai.
Tất nhiên tín hiệu này cần phải được phát hiện sớm, đôi khi không rõ rệt, thế mới là một cơ hội đầu tư thực sự, nhưng startup cần phải có hành động thực tiễn để tạo ra một số “tín hiệu” nhất định, và rồi nhà đầu tư sẽ nắm bắt lấy điều đó.
Để có thể vượt qua “trận chiến kêu gọi vốn”, startup cần phải làm cho những kết quả dù là nhỏ nhất xuất hiện. Startup chưa cần phải Thành công ngay lập tức, nhưng sẽ cần đến những “thành công nho nhỏ”. Chính những “thành công nho nhỏ” này là những “tín hiệu phát ra” khiến cho nhà đầu tư “nóng lòng trước cơ hội đầu tư ngay trước mắt” và phải “xếp hàng” để “được” đầu tư cho bạn.
Vậy, “những thành công nho nhỏ” ấy là gì?
Về mặt định tính:
  1. Có một đội ngũ Founders (sáng lập viên) mạnh.
  2. Có những người Mentors (cố vấn) dày dặn kinh nghiệm.
  3. Có công nghệ tự phát triển khá hiệu quả, khó sao chép/ hoặc bí quyết kinh doanh giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh của startup trên thị trường.
  4. Có những đối tác hoặc mối quan hệ tốt.
  5. Có Demo sản phẩm.
  6. Có Prototype.
  7. Có MVP (Minumum Viable Product) và có thể chính thức cung cấp cho một vài khách hàng đầu tiên.
Về mặt định lượng:
  1. Số người dùng (user) ban đầu.
  2. Lượng khách hàng (customer) đã mua sản phẩm/ dịch vụ.
  3. Số lượt truy cập web, conversation rate: từ truy cập -> truy cập thêm trang thứ 2, thứ 3 -> tiếp cận thông tin sản phẩm -> mua hàng.
  4. Awareness của cộng đồng khách hàng mục tiêu về thương hiệu của startup (tần suất được các tạp chí uy tín đưa tin, mức độ nhận diện thương hiệu – ví dụ: 3/100 nghĩa là cứ hỏi 100 người bất kỳ thì sẽ có 3 người biết đến startup này).
  5. Điều quan trọng là tốc độ tăng trưởng các chỉ số này hàng tuần – hàng tháng. Nhà đầu tư sẽ theo dõi việc tăng trưởng các chỉ số này của startup trong vài tháng trước khi ra quyết định đầu tư vào một Deal lớn.

Lưu ý 3: giải quyết vấn đề “Nhà đầu tư cần startup có kết quả thì mới đầu tư tiền, còn startup cần tiền để có thể tạo ra kết quả.”

Để tạo ra một Kết quả nào đó, startup cần Nguồn lực.
Để sử dụng Nguồn lực, Start-up cần có Chi phí trả cho các Nguồn lực này.
Để thanh toán Chi phí, startup cần Vốn đầu tư.
Chung quy lại, startup cần Tiền.
Nhưng các nhà đầu tư lại cần startup có Kết quả thì mới đầu tư Tiền.
Vậy làm sao để giải quyết vấn đề này?
Câu trả lời là:
  • Chưa cần nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chính đội ngũ Founder bỏ tiền vào.
Dù xác định tìm vốn đầu tư bên ngoài, nhưng vẫn cần một có một khoản nhất định để có thể chi trả các chi phí ban đầu. Tùy vào quy mô và mức độ chịu lỗ nhưng tối thiểu là có thể đảm bảo chi trả trong 6 tháng đầu. Ngoài ra, khi kêu gọi vốn bạn cũng nên đưa ra được những dự báo thực tế, kể cả ước tính mức tăng trưởng của doanh nghiệp. Và nên nhớ sử dụng các giả thiết dựa trên cơ sở số liệu, kết quả nghiên cứu của các đơn vị về lĩnh vực mình đang làm. Cùng đó, bạn nêu lên một số giải pháp để mô hình nhanh chóng có doanh thu. Dù mỗi nhà đầu tư có yêu cầu khác nhau về dòng vốn rót nhưng gần như tất cả đều mong muốn tiền họ bỏ ra không liên tục phải chịu mức âm kể cả là năm đầu tiên bạn khởi nghiệp.
Mặt khác, nếu nhà đầu tư thấy các Founder không góp tiền vào, nhà đầu tư sẽ ngại ngần và tin rằng các Founder không thực sự tin vào khả năng thành công của chính họ, dẫn đến không “đặt cược” chính tiền của họ vào dự án mà họ luôn miệng nói là “tâm huyết”.
  • Chuyển hóa lương thành cổ phần
Thay vì cần có tiền mặt để trả lương thuê nhân viên làm, thì đội ngũ Founder cùng làm không lương nhưng sẽ nhận cổ phần thưởng.
Người trưởng dự án sẽ căn cứ vào thời gian, công sức, kết quả của từng người đóng góp, và tầm quan trọng của kết quả để phân chia tỷ trọng, từ đó ra được tỷ lệ % cổ phần chia sẻ cho các Founder.
Lưu ý ở đây: “Khen cho nỗ lực, nhưng Thưởng cho Kết quả”. Vì vậy trưởng nhóm cần dựa vào mục tiêu chung của dự án từ đó phân rã thành KPI cho từng sáng lập viên, thống nhất với họ về tỷ lệ cổ phần thưởng và làm rõ nếu không đạt KPI thì sẽ thế nào?

Lưu ý 4: bạn cần định giá được ý tưởng, dự án của mình theo từng giai đoạn phát triển và liên tục tìm kiếm các nhà đầu tư trong suốt quá trình khởi nghiệp

Vì khi một nhà đầu tư nào đó muốn rót vốn vào thì cả bạn và họ đều biết được là mình cần bao nhiêu tiền và khả năng họ sẽ rót vào bao nhiêu vốn. Sau khi rót vốn nhà đầu tư nắm bao nhiêu phần trăm cổ phần, hay cổ phiếu nếu dự án đó lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, không ít mô hình startup tại Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến điều này, do đó, khi nhà đầu tư ngỏ ý thì gần như không thể định giá được giá trị của dự án. Mà chỉ dựa trên giá trị của một trong 2 phần, đó là chi phí thực tế đã được bỏ ra để đầu tư và số vốn điều lệ khi thành lập công ty.
Và sau khi đã nhận được một khoản đầu tư dù nhỏ hay lớn đừng tự hài lòng mà nên tích cực tìm thêm những nhà đầu tư khác để đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện của dự án như vậy dự án nhanh chóng thành công hơn.

Tổng hợp